Lỗ thủng năm nay có kích thước lớn do nhiệt độ lạnh và một số nguyên nhân khác, nhưng xu hướng chung của tầng ozone vẫn là đang phục hồi. Hãy cùng Điện mặt trời điện gió theo dõi bài viết sau đây về chủ đề Lỗ thủng tầng ozone nghiêm trọng đến mức nào.
* Bạn có thể mua các sản phẩm về Thiết bị điện 220V của chúng tôi qua đường link này.
Lỗ thủng tầng ozone rộng 26,4 triệu km2 trên châu Nam Cực
Lỗ thủng tầng ozone NASA cho biết, lỗ thủng tầng ozone phía trên châu Nam Cực năm nay đạt kích thước cực đại 26,4 triệu km2 vào ngày 5/10, mức lớn nhất kể từ năm 2015, AP hôm 14/10 đưa tin. Nguyên nhân là nhiệt độ lạnh hơn bình thường ở độ cao 12 – 20 km, nơi có lỗ thủng tầng ozone, tạo điều kiện thuận lợi cho các hóa chất clo phá hủy tầng ozone.
“Xu hướng chung vẫn đang tốt lên. Năm nay chỉ tệ hơn một chút vì lạnh hơn mà thôi. Mọi dữ liệu đều cho thấy tầng ozone đang phục hồi”, nhà khoa học Trái Đất Paul Newman tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard thuộc NASA, cho biết.
Việc chỉ nhìn vào kích thước cực đại của lỗ thủng ozone, nhất là vào tháng 10, có thể gây hiểu lầm, theo nhà khoa học Susan Solomon tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). “Sự suy giảm ozone bắt đầu muộn hơn và mất nhiều thời gian hơn để đạt cực đại, lỗ thủng thường cũng nông hơn vào tháng 9 – tháng then chốt để xem xét sự phục hồi của tầng ozone – không phải tháng 10”, Solomon giải thích.
Các hóa chất clo và brom lơ lửng trên cao trong khí quyển gây hại cho lớp ozone bảo vệ Trái Đất. Thời tiết lạnh tạo ra những đám mây giải phóng các hóa chất này, theo Newman. Càng lạnh, mây càng nhiều và lỗ thủng ozone càng lớn. Carbon từ quá trình đốt than, dầu và khí tự nhiên khiến bề mặt Trái Đất ấm hơn, nhưng tầng bình lưu trên lại lạnh hơn.
Nhiều thập kỷ trước, các nhà hóa học khí quyển nhận thấy clo và brom trong khí quyển đang tăng và cảnh báo về những thiệt hại với cây trồng, tình trạng thiếu thực phẩm và gia tăng ung thư da. Năm 1987, các nước ký kết Nghị định thư Montreal nhằm cấm những hóa chất phá hủy tầng ozone, giúp tầng ozone dần hồi phục.
Dù có sự biến động mỗi năm, kích thước của lỗ thủng ozone có xu hướng giảm dần kể từ khi đạt mức lớn nhất mọi thời đại là 29,9 triệu km2 vào tháng 9/2000. Trong khi nhiệt độ lạnh có thể là nguyên nhân chính khiến lỗ thủng ozone năm nay tương đối lớn, một số ý kiến cho rằng việc các nhà máy sử dụng hóa chất trái phép có thể là nguyên nhân khác. Ngoài ra, theo chuyên gia Brian Toon tại Đại học Colorado, những đám cháy rừng lớn ở Australia và vụ phun trào núi lửa dưới biển ở Tonga cũng có thể ảnh hưởng phần nào.
Phát hiện lỗ thủng ozone ở vùng nhiệt đới
Lỗ thủng tầng ozone mới phát hiện có diện tích lớn gấp khoảng 7 lần lỗ thủng ozone nổi tiếng xuất hiện ở châu Nam Cực vào các mùa xuân. Nhà khoa học Qing-Bin Lu tại Đại học Waterloo, Canada, phát hiện một lỗ thủng ozone lớn tồn tại quanh năm ở tầng bình lưu thấp trong khu vực nhiệt đới. Lỗ thủng này tồn tại từ những năm 1980, có độ sâu tương đương với lỗ thủng nổi tiếng xuất hiện ở châu Nam Cực vào các mùa xuân, nhưng diện tích lớn hơn tới 7 lần. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí AIP Advances hôm 5/7.
Lỗ thủng ozone được định nghĩa là khu vực mất ozone nhiều hơn 25% so với vùng khí quyển bình thường. “Khu vực nhiệt đới chiếm nửa diện tích bề mặt Trái Đất và là nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số thế giới. Sự tồn tại của lỗ thủng ozone nhiệt đới có thể gây ra mối lo ngại lớn trên toàn cầu”, Lu cho biết.
“Sự suy giảm tầng ozone có thể dẫn đến tăng bức xạ cực tím ở mặt đất, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư da và đục thủy tinh thể ở người, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, giảm năng suất nông nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến các hệ sinh thái và sinh vật thủy sinh nhạy cảm”, ông bổ sung.
Quan sát của Lu về lỗ thủng tầng ozone khiến nhiều nhà khoa học ngạc nhiên vì nó không được dự đoán bằng các mô hình quang hóa truyền thống. Dữ liệu quan sát của ông phù hợp với mô hình phản ứng electron tia vũ trụ (CRE) và chỉ ra cơ chế vật lý giống nhau của lỗ thủng ozone ở châu Nam Cực và vùng nhiệt đới.
Lu cho biết, phát hiện mới có thể rất quan trọng trong việc giúp con người hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu toàn cầu. “Phát hiện mới cho thấy cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về sự suy giảm tầng ozone, sự thay đổi bức xạ cực tím, sự gia tăng nguy cơ ung thư và các ảnh hưởng tiêu cực khác đối với sức khỏe và hệ sinh thái ở các vùng nhiệt đới”, ông nói.
Giữa những năm 1970, nghiên cứu khí quyển cho thấy tầng ozone, nơi hấp thụ phần lớn bức xạ cực tím của Mặt Trời, có thể suy giảm do các hóa chất công nghiệp, chủ yếu là chlorofluorocarbon (CFC). Việc phát hiện ra lỗ thủng ozone ở châu Nam Cực năm 1985 giúp xác nhận rằng sự suy giảm tầng ozone do CFC gây ra. Việc cấm sử dụng những hóa chất như vậy giúp làm chậm quá trình này, nhưng các bằng chứng cho thấy tầng ozone vẫn đang suy giảm.
Nguồn bài viết: Sưu tầm