Trạm vũ trụ tương lai sẽ có nhà kính và tầng ly tâm để giảm bớt ảnh hưởng của điều kiện không trọng lực. Hãy cùng Năng lượng xanh theo dõi bài viết sau đây nha với chủ đề “Thiết kế trạm vũ trụ 3 tầng của Airbus” này nha.
Trạm Loop gồm 3 tầng thông với nhau qua đường hầm
Công ty châu Âu Airbus công bố thiết kế môi trường sống trong không gian mới rộng rãi và thoải mái hơn các trạm vũ trụ hiện nay. Module đa dụng trên quỹ đạo có tên Loop, bao gồm 3 tầng tùy chỉnh nối liền thông qua một đường hầm, bao quanh là nhà kính tích hợp. Trạm vũ trụ được thiết kế để chứa phi hành đoàn 4 người nhưng có thể điều chỉnh để tăng sức chứa lên 8 người, Space hôm 20/4 đưa tin.
Với chiều rộng 8 m, Loop đặt vừa ở khoang hàng của thế hệ phương tiện phóng siêu trọng sắp tới như Starship của SpaceX, nhờ đó có thể triển khai sau một lần cất cánh và ở được ngay lập tức khi tới quỹ đạo.
Trạm Loop của Airbus sẽ cung cấp nơi ở dài hạn trong không gian
Ở cấu hình cơ bản, Loop có một tầng ở, một tầng nghiên cứu và một tầng ly tâm tạo ra lực hấp dẫn nhân tạo, nơi phi hành gia có thể tạm thời thoát khỏi điều kiện không trọng lực. Cơ thể người sẽ suy thoái trong tình trạng không trọng lực với cơ bắp và xương bị teo đi do không sử dụng. Ngoài ra, tình trạng đó cũng gây rối hệ thần kinh và định hướng lập thể của con người, dẫn tới buồn nôn trong những ngày đầu tiên ở trên quỹ đạo.
Trạm Loop của Airbus sẽ cung cấp nơi ở dài hạn trong không gian để người sử dụng cảm thấy thoải mái và vui vẻ, đồng thời hỗ trợ hoạt động hiệu quả và bền vững. Quá trình thiết kế dựa trên những gì con người học hỏi được qua nhiều thập kỷ và khai thác tiềm năng của công nghệ tối tân nhằm hỗ trợ phi hành gia trên quỹ đạo thấp của Trái Đất, Mặt Trăng hoặc trong nhiệm vụ dài ngày tới sao Hỏa.
Trạm vũ trụ Loop có thể sẵn sàng bay vào đầu thập niên 2030 sau khi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ngừng hoạt động. Airbus từng đứng đầu liên minh xây dựng module Columbus của châu Âu trên trạm ISS. Hiện nay, công ty đang phụ trách chế tạo module dịch vụ Orion dùng trong chương trình khám phá Mặt Trăng Artemis của NASA.
An Khang (Theo Space)