Các nhà nhiếp ảnh thiên văn đã tạo ra một cái nhìn đáng kinh ngạc về Mặt Trời bằng cách ghép 90.000 bức ảnh chụp lại với nhau. Hãy cùng Điện mặt trời điện gió tìm hiểu tin tức ngắn dưới đây “Bề mặt rực lửa của Mặt Trời qua ảnh” cùng nhau tìm hiểu ngay thôi nào.
Ảnh tổng hợp về Mặt Trời được tạo nên từ 90.000 hình riêng lẻ
Để tạo ra hình ảnh này, Andrew McCarthy và Jason Guenzel đã sử dụng một số ảnh chụp của chính họ, bao gồm cả ảnh nhật thực toàn phần chụp vào năm 2017, và kho dữ liệu lấy từ Đài quan sát Mặt Trời và Nhật quyển, một tàu vũ trụ được NASA phóng vào năm 1995 với sự hợp tác của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Live Science hôm 5/4 đưa tin.
Cặp đôi nhiếp ảnh gia đã ghép khoảng 90.000 ảnh chụp Mặt Trời lại với nhau để tạo ra tác phẩm cuối cùng mà họ gọi là “Sự hợp nhất của Helios”, thể hiện bề mặt rực lửa ngôi sao với những tia plasma xoáy giống lớp lông tơ bao phủ một quả bóng tennis.
Nổi bật ở góc phía trên bên phải của hình ảnh là “cơn lốc plasma” cao nhất từng được ghi nhận ở cực bắc của Mặt Trời. Nó cao tới 178.000 km, tương đương 14 Trái Đất đặt thẳng hàng. Sự kiện này kéo dài kéo dài khoảng 3 ngày trước khi biến đổi thành một đám mây plasma và bị đẩy ra ngoài không gian.
Cận cảnh bề mặt của Mặt Trời với các tia plasma và lốc plasma
Một thách thức mà McCarthy và Guenzel gặp phải là chụp ảnh cả vành nhật hoa (phần ngoài cùng của bầu khí quyển Mặt Trời) và sắc quyển (lớp plasma mỏng nằm giữa vành nhật hoa và bề mặt nhìn thấy được của Mặt Trời). Những phần này chỉ có thể quan sát trong một số điều kiện nhất định.
“Chúng tôi muốn thúc đẩy kỹ thuật chụp ảnh thiên văn đi xa nhất có thể cả về mặt khoa học và nghệ thuật, bằng cách tạo ra hình ảnh siêu chính xác về Mặt Trời theo cách phá vỡ các quy tắc chụp ảnh thiên văn thông thường. Chúng tôi muốn tạo ra một bức tranh khảm đầy đủ về Mặt Trời”, McCarthy chia sẻ.
Guenzel nhấn mạnh thêm rằng tác phẩm “Sự kết hợp của Helios” là hình ảnh Mặt Trời “chi tiết và sống động nhất” mà anh và McCarthy từng tạo ra.
Nguồn bài viết: Sưu tầm