Công ty Đức Studio Symbiosis phát triển tháp lọc khí đa hướng 360 độ trang bị các quạt hút không khí và bộ lọc giúp loại bỏ bụi mịn. Hãy cùng Năng Lượng Xanh tìm hiểu bài viết dưới đây với chủ đề “Tháp lọc 600.000 m3 không khí mỗi ngày” này nha.
Tháp lọc không khí Verto
Tháp lọc 600.000 m3 nguyên mẫu đầu tiên của tháp Verto bắt đầu hoạt động vào ngày 26/8/2022 trong công viên Sunder Nursery, New Delhi. Công ty Đức Studio Symbiosis hôm 9/5 chia sẻ thước phim mới về ngọn tháp này.
Tên gọi Verto bắt nguồn từ “xoay” trong tiếng Latin. Ngọn tháp trang bị các quạt tiết kiệm năng lượng hút không khí xung quanh. Sau đó, không khí được làm sạch thông qua các bộ lọc, giúp loại bỏ hạt bụi mịn (PM 2.5, PM 10).
Studio Symbiosis thiết kế Verto bằng cách sử dụng các nguyên tắc khí động học, tạo ra một cấu trúc có diện tích bề mặt tối đa và tăng tốc độ gió để đạt hiệu suất tốt. “Chúng tôi đã tiến hành các nghiên cứu mô phỏng để đạt được lực cản tối thiểu và diện tích bề mặt tối đa, cuối cùng tạo nên thiết kế tối ưu này”, nhóm chuyên gia tại công ty cho biết.
“Chúng tôi bắt đầu từ một hình elip, mang lại lực cản tối thiểu. Chúng tôi tiếp tục phát triển bằng cách xoắn cấu trúc để dẫn gió men theo bề mặt của tháp theo hướng trục Z, giúp tăng đáng kể diện tích bề mặt. Cấu trúc xoắn được phát triển thêm bằng cách áp dụng phân tích điện toán động lực học chất lưu (CFD) để đảm bảo không khí sạch không trộn lẫn với không khí chưa lọc đang bị hút vào tháp. Một phần của phân tích CFD là đảm bảo vùng lọc 360 độ và tối đa hóa lượng không khí được lọc sạch”, nhóm nghiên cứu viết.Ngoài cấu trúc xoắn, Studio Symbiosis còn phát triển các ô hình tam giác cho Verto. Các ô vuốt nhọn dần vào trong nhằm tạo lực nén của gió, tăng lượng không khí bị đẩy vào. Verto có thể được vận chuyển ở trạng thái phẳng dẹt, sau đó dễ dàng lắp ráp tại chỗ nhờ cấu trúc dạng module của các tấm bêtông cốt sợi thủy tinh (GRC).
Tháp lọc khí cũng trang bị một hệ thống điều khiển cho phép điều chỉnh các cột lọc theo nhu cầu và chất lượng không khí hiện tại. Các cảm biến bên ngoài tháp giúp ghi lại dữ liệu không khí và thời tiết. Dữ liệu này sau đó được các chuyên gia thu thập và đánh giá. “Công nghệ này đã có từ năm 2018, được các cơ quan ở Đức triển khai thành công để xử lý ô nhiễm trên một số đoạn giao thông ô nhiễm nhất ở vùng nông thôn nhằm duy trì quy định nghiêm ngặt của EU”, Studio Symbiosis cho biết.
Thu Thảo (Theo Design Boom)